TUYÊN TRUYỀN MỘT SỐ BỆNH VỀ MẮT
Đôi mắt là cơ cơ quan cảm giác của mỗi con người, giúp con người nhìn thấy ánh sáng, nhìn tất cả các sự vật, sự việc diễn ra xung quanh, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi chúng ta. Vì vậy đôi mắt rất quan trọng đối với con người, chính vì thế chúng ta phải biết bảo vệ đôi mắt của mình. Hiện nay có rất nhiều loại bệnh về mắt như: đau mắt đỏ, cận thị, loạn thị, đục thủy tinh thể, viêm loát giác mạc,.......
Trong trường học trẻ em thường hay mắc các bệnh về mắt như: đau mắt đỏ, cận thị. I. Bệnh đau mắt đỏ:
Đau mắt đỏ, là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng của mắt (phần trắng của nhãn cầu), bị sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm nên bạn cần được cách ly và điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây cho người khác.
1. Triệu chứng:
- Đau rát mắt
- Sưng mắt
- Ngứa mắt
- Đỏ mắt
- Mắt chảy nước có màu vàng hoặc màu xanh
2. Cách phòng tránh:
Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, nó có khả năng lây lan rất nhanh. Do đó:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, khăn chườm mắt
- Không sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
- Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi …
- Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Nếu có đi phải dùng kính bơi để tránh mắt tiếp xúc với nước hồ bơi. Đặc biệt những người dùng kính áp tròng cần tháo ra khi đi bơi để nước hồ bơi không len vào kính gây nên tình trạng viêm và đỏ mắt. Sau khi đi bơi nên rửa mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để vệ sinh mắt.
Không nên đi học hoặc đi làm cho đến khi nào bệnh tình cải thiện;
Nếu bệnh mắt đỏ do virus gây ra, bệnh tình sẽ bắt đầu cải thiện từ 3 đến 5 ngày. Thông thường, loại đau mắt đỏ này không nhất thiết phải sử dụng thuốc, tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh lây lan lại rất quan trọng. Việc điều trị bệnh tại nhà sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn và bệnh sẽ từ từ biến mất;
II. Cận thị:
1. Triệu chứng:
- Nhìn các vật xa mờ, nhìn rõ các vật ở gần
- Mỏi mắt
- Đi khám mắt bác sĩ kết luận bị cận thị ( tùy các mức độ)
2. Nguyên nhân:
- Đọc sách không đủ ánh sáng
- Thường xuyên tiếp xúc với máy tính, trẻ xem điện thoại, xem máy tính nhiều, tư thế không phù hợp, mắt phải làm việc nhiều do ở khoảng cách quá gần.
- Do di truyền
3. Biện pháp phòng tránh:
Học tập và làm việc khoa học, cho mắt nghỉ ngơi sau khi làm việc.
Bảo vệ mắt khi làm việc, khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính khi trời nắng.
Kiểm tra mắt thường xuyên. Đeo kính đầy đủ khi đã bị cận thị để tránh bệnh nặng hơn.
Riêng với học sinh cần chú ý tư thế ngồi, không học ở nơi thiếu ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn, ngồi xem ti vi ở khoảng cách không gần quá. Gần đây tật cận thị học đường đang ngày càng phổ biến do học sinh sử dụng nhiều các đồ dùng công nghệ như máy tính, điện thoại. Do đó để phòng ngừa cận thị, trẻ em cần được hạn chế sử dụng quá mức đồ dùng công nghệ.
- Nơi học tập, làm việc cần đủ ánh sáng với sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt.
- Kích thước của bàn, ghế phải phù hợp với từng người.
- Cho mắt nghỉ ngơi sau thời gian học tập hoặc làm việc quá dài bằng cách nhắm mắt lại tự nhiên như ngủ khoảng vài phút, nhìn ra xa trên 5m, hoặc đi lại trong phòng,...
- Không nên đọc sách khi đang di chuyển, đi tàu xe, máy bay,...
- Vệ sinh mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các lại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ… các loại rau có màu xanh lục.
Trên đây là bài tuyên truyền phòng chống bệnh về mắt, hy vọng các bậc phụ huynh, các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên biết được biểu hiện của bệnh và biết cách phòng tránh các bệnh về mắt.